May 24, 2011

Chữ hoa, chữ thường, italic

Các học trò của thánh Biển Đức (?!) và các học giả của thời Phục hưng Carolingian (?!) đã cải cách chính hình dạng các chữ viết của chúng ta. Họ đã cải tiến chức năng cũng như nét đẹp của các chữ cái bằng cách sáng tạo ra một số hình dạng mới. Trước thời đó tiếng La tinh chỉ viết bằng chữ hoa và người Rôma chỉ dùng chữ hoa. Không có chữ thường hay chữ nhỏ trên các tấm bia cổ xưa của người Rôma. Mọi chữ đều có cùng chiều cao, giới hạn giữa hai đường kẻ nằm ngang.

Dần dần các thầy dòng và các nhà chép sách bắt đầu thử nghiệm những chữ nhỏ với các hình dạng khác nhau. Họ lấy ý tưởng từ những đường nét chữ cong của các thư từ thương mại. Tình trạng hiếm giấy chỉ thảo và giá giấy da thì cao đã khiến cho họ phải tìm cách viết chữ cho thật sát nhau để tiết kiệm giấy. Đồng thời sự suy tàn của đế quốc Rôma cũng kéo theo sự lơi lỏng về những chuẩn mực chữ viết cũng như trong mọi lĩnh vực khác. Những sách kiến kỳ lạ của những tu viện biệt lập đã bắt đầu phân rẽ nền văn học của châu Âu La tinh.

Khi Alcuin đến với Charlemagne ở aachen, đương nhiên hai ông đã coi việc cải cách và chuẩn hóa chữ viết là mối quan tâm lớn hơn. Alcuin có kiến thức và khiếu thẩm mỹ để soạn ra những chuẩn mực, còn Charlemagne có quyền bính, tài tổ chức và ý chí để bắt buộc thi hành. Tại trường tập viết của mình ở tu viện thánh Martin ở Tours, Alcuin dạy chữ viết cải cách của mình. Ông đã nghiên cứu những trụ bia cổ và những thủ bản mới hơn để tìm kiếm những hình dáng chữ viết thanh nhã nhất, dễ đọc và dễ viết nhất. Các chữ in hoa của ông theo mẫu những bi ký trang trọng của Rôma dưới thời Augustus. Sau đó, dựa vào những kinh nghiệm của các thầy dòng khác và kinh nghiệm lâu năm của chính mình ở York, ông đã tạo ra một mẫu chuẩn cho các chữ thường. Mẫu chữ thường Carolingian của Alcuin đã tỏ ra thành công vượt quá ước mơ. Rõ ràng và đẹp, dễ viết và dễ đọc, nó được sử dụng trong mọi phòng chép sách và mọi thư viện. 700 năm sau, khi các khuôn chữ in di động đến châu Âu và sau một thời gian thống trị ngắn ngủi của chữ Gothic, các mẫu chữ đã được làm theo kiểu chữ thường Carolingian. Nhiều thế kỷ sau khi tất cả những tượng đài khác của Charlemagne đã sụp đổ, những trang sách của cuốn sách bạn đang đọc vẫn còn là lời nhắc nhở sống động về sức mạnh của chữ viết được thiết kế đẹp. Cái mà ngày nay chúng ta gọi là bộ chữ cái Rôma thực ra là bộ chữ cái của Alcuin (?!).
_____
* Fonts: Claud Garamond; Robert Granjon
_____
Aldus là người tiên phong của hai sự cải cách mới trong nghệ thuật in sách - kiểu chữ “italic” (chữ nghiêng) và khổ sách “octavo” (khổ tám), Nếu kiểu chữ đen của sách Kinh thánh Gutenberg đã mãi mãi là kiểu chuẩn, hẳn các sách đã không trở thành gọn gàng như ngày nay. Vì kiểu chữ ấy không thích hợp để in một lượng tối đa chữ dễ đọc trên một trang giấy. Khoảng năm 1500 Aldus giao cho Francesco Friffo ở Bologna nhiệm vụ thiết kế một font chữ thực tế hơn. Font chữ hoàn toàn mới này dựa trên kiểu chữ viết cong thời đó được dùng tại những tòa án giáo hoàng và các nhà nhân bản học thường dùng kiểu chữ này để viết cho nhau. Những chữ này hẹp và thon, không trang trọng như kiểu chữ Gothic cổ, nhưng lại hợp với các kiểu chữ hoa Roman. Cuốn sách đầu tiên in bằng kiểu chữ mới này là một ấn bản bằng khổ tám của Aldus năm 1501 cho tác phẩm của Virgil. Vì sách Virgil của Aldus được đề tặng nước Italia, nên kiểu chữ này đã được gọi là “italic”. Lúc đầu kiểu chữ này gồm những chữ thường và dùng những chữ hoa Roman nhỏ. Aldus lấy kiểu chữ này làm chuẩn để in các tác phẩm cổ điển của mình. Nó vừa đẹp và dễ đọc, lại vừa chứa được nhiều từ trên một trang giấy.

No comments:

Post a Comment